NHÀ CUNG CẤP SẮT THÉP CHUYÊN NGHIỆP TẠI TP.HCM

NHÀ CUNG CẤP SẮT THÉP CHUYÊN NGHIỆP TẠI TP.HCM

Hỗ trợ trực tuyến

Ms Nguyệt

Hotline:0983.983.983

MR HẢI

Hotline:0968 798 983

Mr CƯỜNG

Hotline:0903.398.983

 

 

 

Trước các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.

Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng sẽ đặt ngành được coi là "xương sống" của nền kinh tế trước khó khăn rất lớn, nhất là nguy cơ đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu  trong khi tình trạng mất cân đối cung - cầu trong nước vẫn chưa được cải thiện.

HỆ LỤY TỪ PHÁ VỠ QUY HOẠCH

Ngành thép Việt Nam được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ 20, với sự ra đời mẻ gang đầu tiên vào năm 1963, nhưng phải đến năm 1975 mới có mẻ thép đầu tiên tại công ty gang thép Thái Nguyên. Trong giai đoạn từ 1975 đến 1990, ngành thép Việt Nam phát triển rất chậm, phần lớn sử dụng nguồn thép của các nước Đông Âu và Liên Xô cũ, sản lượng trong giai đoạn này duy trì ở mức 40.000 – 80.000 tấn/năm.

Từ năm 1990 ngành thép Việt Nam có nhiều đổi mới và tăng trưởng mạnh mẽ. Sự ra đời của Tổng công ty thép Việt Nam năm 1990 đã góp phần quan trọng vào sự bình ổn và phát triển của ngành. Năm 1996 là năm đánh dấu sự chuyển mình của ngành thép với sự ra đời của 4 công ty liên doanh sản xuất thép là Việt - Nhật (Vinakyoei), Việt - Úc (Vinausteel), Việt - Hàn (VPS) và Việt Nam – Singapore (Nasteel) với tổng công suất khoảng 840.000 tấn/năm. Từ 2002 - 2005 nhiều doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài được thành lập, nhờ đó, tổng công suất của ngành thép Việt Nam đã đạt con số tới 6 triệu tấn/năm.

Những năm tiếp theo, ngành công nghiệp thép Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu xây dựng kinh tế của đất nước. Hơn nữa, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách mới, nhằm khuyến khích đầu tư trong nước, kêu gọi đầu tư trực tiếp của các đối tác nước ngoài đầu tư vào ngành thép. Tuy nhiên, do "nôn nóng" trong quá trình phát triển đã dẫn tới hậu quả năng lực sản xuất đã vượt quá xa so với nhu cầu của thị trường thép trong nước.

Trong tiến trình công nghiệp hóa, đòi hỏi tuân thủ chặt chẽ các quy hoạch phát triển ngành để tránh chồng chéo, lộn xộn. Thế nhưng, ngành thép là một ví dụ điển hình của việc phá vỡ quy hoạch, xé rào, lạm phát số lượng dự án. Việc "bội thực" dự án nhà máy sản xuất thép đã khiến quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/9/2007 bị phá vỡ. 

Theo quy hoạch, đến năm 2025, tổng công suất thép cả nước mới đạt 20 triệu tấn/năm, nhưng chỉ tính riêng số dự án thép được cấp phép giai đoạn 2006 - 2008 đã có tổng công suất hơn 30 triệu tấn/năm, gấp 1,5 lần quy hoạch. Điều đáng nói, sau đó việc cấp phép cho nhiều siêu dự án thép vẫn tiếp tục diễn ra khiến quy hoạch phải liên tiếp bổ sung, dẫn đến công suất dự kiến có thời điểm lên tới hơn 40 triệu tấn/năm.

Tình trạng cấp phép tràn lan xuất phát từ việc giao quyền cho các địa phương, để từ đó đua nhau thu hút, trải thảm đỏ mời gọi đầu tư nước ngoài. Vì thế trong nhiều thời điểm, ngành thép rơi vào cảnh "vỡ trận", khủng hoảng thừa. Theo báo cáo của VSA, tính đến năm 2019, tổng năng lực sản xuất toàn ngành thép đạt trên 30 triệu tấn/năm, nhưng các nhà máy chỉ hoạt động hơn 80% công suất thiết kế với tổng sản lượng trên 25 triệu tấn, trong khi mức tiêu thụ chỉ đạt hơn 23 triệu tấn. 

Một nghịch lý là, việc cấp phép đầu tư cho quá nhiều dự án thép sản xuất các sản phẩm thép trong nước đã dư thừa, mà không định hướng đầu tư cho các sản phẩm trong nước chưa sản xuất được đã khiến cho ngành công nghiệp thép trở thành một trong những ngành nhập siêu lớn. 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan và VSA, nhập siêu của ngành thép trong các năm từ 2010 – 2014 luôn ở mức 5 – 6 tỷ USD/năm. Năm 2015, nhập siêu tăng đột biến lên tới 7,4 tỷ USD; đến năm 2016 giảm xuống 6,2 tỷ USD, và tăng nhẹ 6,4 tỷ USD trong năm 2017. Trong hai năm 2018 và 2019, nhập siêu của ngành thép giảm xuống còn 5,3 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2020, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nên nhập siêu của ngành thép chỉ ở mức 2,4 tỷ USD.

HỨNG CHỊU LIÊN TIẾP CÁC VỤ KIỆN

Những năm qua, ngành thép Việt Nam đã có bước tiến dài, và lọt vào top 20 quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh nguồn cung thép toàn cầu đều có xu hướng dư thừa trong khi nền kinh tế thế giới đang chững lại thì sự phát triển bứt phá của ngành thép Việt Nam luôn nằm trong tầm ngắm của các thị trường xuất khẩu  Nhiều nước đã tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm cản trở việc thâm nhập thị trường của sản phẩm thép Việt Nam như: Chống bán phá giá, tự vệ thương mại, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế... 

Đỉnh điểm là năm 2018, có lúc chỉ trong một tháng, doanh nghiệp thép Việt Nam phải đối mặt với 8 vụ kiện phòng vệ, chống bán phá giá đến từ 7 thị trường khác nhau. Đồng thời, các nước đang có xu hướng thắt chặt, đòi hỏi khắt khe hơn trong quá trình điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với nhiều mặt hàng thép Việt Nam.

Báo cáo mới đây của VSA cho thấy, tính từ năm 2004 đến tháng 8/2020, tổng số các vụ nước ngoài kiện thép xuất khẩu của Việt Nam lên tới 62 vụ, gồm kiện chống bán phá giá (34 vụ), chống trợ cấp (3 vụ), chống bán phá giá và chống trợ cấp (6 vụ), điều tra áp dụng biện pháp tự vệ (13 vụ). 

Số liệu thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cũng nêu rõ, thép là mặt hàng có số vụ kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất trong tất cả các ngành hàng hiện nay, chiếm tới 39,1% trong tổng số vụ việc các sản phẩm của Việt Nam bị áp dụng, trong đó Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là hai thị trường sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhiều nhất.

Việc các nước liên tục kiện phòng vệ thương mại với Việt Nam trong lĩnh vực thép không nằm ngoài nguyên nhân thị trường xuất khẩu các sản phẩm thép của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mở rộng. Số liệu mới nhất về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thép đến hết tháng 8/2020 được VSA ghi nhận khoảng 5,95 triệu tấn, tương ứng 3,1 tỷ USD. Trong đó, thị trường ASEAN hiện chiếm đến 44,78% trong tổng sản lượng thép xuất khẩu với 1,43 tỷ USD, bỏ khá xa Trung Quốc ở mức gần 845 triệu USD, chiếm 34,8% tỷ trọng xuất khẩu. 

Với ba thị trường xuất khẩu tiềm năng khác là EU, Mỹ và Hàn Quốc, đặc biệt hai thị trường EU và Mỹ, dù ngành thép Việt Nam bị kiện nhiều nhất, nhưng tỷ trọng xuất khẩu hiện vẫn chiếm 2,48% trong tổng sản lượng xuất khẩu đối với EU (giữ mức 119,4 triệu USD) và 2,19% (115,8 triệu USD) đối với thị trường Mỹ.

Các sản phẩm thép Việt Nam bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tương đối đa dạng và ngày càng mở rộng, không chỉ giới hạn ở mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, mà còn là những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như: Mắc áo thép, thép chịu lực không gỉ, đinh thép, ống thép dẫn dầu, ống thép các-bon, thép mạ kẽm, dây thép... Ngoài ra, nếu như trước đây, các vụ việc thường tập trung vào sản phẩm cụ thể, thì hiện nay, cùng một biện pháp có thể hướng tới rất nhiều nhóm sản phẩm khác nhau. 

Một trong những "đòn" giáng mạnh nhất mà doanh nghiệp ngành thép Việt Nam phải đối mặt trong năm 2019 là vào tháng 7, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) bắt đầu thu khoản thuế lên tới 456,23% giá trị sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam với nguyên liệu sử dụng được nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. 

Đây được xem là động thái mạnh mẽ và mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất từ trước đến nay của Mỹ dành cho sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam, do họ nghi ngờ các sản phẩm thép nhập khẩu nhưng chưa rõ nguồn gốc nguyên liệu, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung vẫn đang căng thẳng. Ngoài ra, ngành thép Việt Nam còn phải đối mặt với những vụ kiện từ một số quốc gia trong khu vực ASEAN. Đây cũng đang là thực trạng đáng lo ngại đối với ngành thép Việt Nam.

Việc phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại ngày một tăng đã tạo nên sức ép cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế. Vào thời điểm cuối năm 2019, giá sắt thép xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt trung bình dưới 650 USD/ tấn, giảm hơn 12% so cùng kỳ năm 2018. Điều này khiến cho hoạt động xuất khẩu ngành thép Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng sắt thép của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài năm 2019 tuy tăng 6,7% về lượng so với năm 2018, đạt 6,68 triệu tấn, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4,2 tỷ USD, giảm 7,4%. Trong 9 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gần 7 triệu tấn sắt thép, với kim ngạch trên 3,65 tỷ USD, giá trung bình 522,2 USD/tấn, tăng 44,4% về lượng, tăng 16% kim ngạch, nhưng giảm 19,7% về giá so với cùng kỳ năm ngoái...

VẪN CÒN CƠ HỘI PHÁT TRIỂN

Cần phải thừa nhận một thực tế, hiện nay các doanh nghiệp thép trong nước vẫn hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ dẫn đến tiêu tốn nhiên liệu, chi phí cao. Đó là lý do khiến các sản phẩm thép trong nước khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh hội nhập và các biện pháp tự vệ được áp dụng nhiều như hiện nay.

Năm 2020, trước các cơ hội từ hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới. Đối với CPTPP, chính thức có hiệu lực từ 14/1/2019, theo đó, việc gỡ bỏ loạt thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu đồng thời NK nguyên liệu từ các quốc gia có lợi thế như Australia. 

Báo cáo của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chỉ rõ, các nước thành viên CPTPP là nguồn cung cấp nguyên vật liệu chủ yếu để sản xuất thép cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử, Australia là nước cung cấp than đá và quặng chủ yếu cho nước ta, lần lượt chiếm 25,7% và 22,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, hơn 50% lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phôi cũng là từ các nước thuộc CPTPP. Một số thành viên như Canada, Malaysia cũng có nhu cầu lớn nhập khẩu nhiều thép thành phẩm.

Trước đó, ASEAN và Mỹ là hai thị trường dẫn đầu về xuất khẩu thép của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ tăng cao, theo các chuyên gia, việc chuyển hướng xuất khẩu, mở rộng sang các thị trường khác là cần thiết. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thép Việt tìm kiếm đối tác, thu hút đầu tư, nhập khẩu máy móc, công nghệ cao để nâng cao hàm lượng giá trị sản phẩm, từ đó tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Đối với EVFTA, có hiệu lực từ 1/8/2020, kỳ vọng sẽ giúp cho ngành thép rộng đường và thêm cơ hội xuất khẩu sang thị trường EU. Về mặt lý thuyết, khi EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn cho các ngành nghề; trong đó có ngành thép. Tuy nhiên, thị trường các nước EU ở trạng thái bão hòa với các giao dịch thương mại thép, các hoạt động chủ yếu trong nội khối. 

Theo số liệu của VSA, thị trường EU chiếm khoảng 4,2% tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam. Trong khi đó, thị trường truyền thống là ASEAN, Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ lớn, lần lượt gần 55% và 19%... Do đó, để vào được thị trường EU, đòi hỏi các sản phẩm phải đạt rất nhiều tiêu chuẩn cao và khắt khe. Các nhà sản xuất thép Việt Nam muốn đáp ứng được tiêu chuẩn đó phải cải tiến công nghệ, kỹ thuật, thay đổi các quy trình sản xuất của mình, thay đổi các phương thức kinh doanh. 

Theo nghiên cứu mới đây do Công ty Cổ phần chứng khoán SSI công bố, thị trường thép trong các tháng tới sẽ theo chiều hướng tích cực, ước tính sản lượng tiêu thụ của ngành thép tiếp tục tăng trưởng ở mức từ 5-7% trong năm 2020. Lý do, sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được Chính phủ chi ra trong năm 2020, trong đó có 200.000 tỷ đồng sẽ chi cho các dự án hạ tầng lớn như: Cao tốc Bắc - Nam, sân bay Tân Sơn Nhất... 

Một tín hiệu đáng mừng kể từ tháng 7/2020, tình hình giải ngân vốn đầu tư công đã cải thiện hơn. Ngoài ra, Việt Nam được hưởng lợi từ nhu cầu thép tiếp tục tăng mạnh ở Trung Quốc. 

Theo Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc, nửa cuối năm 2020, mức tiêu thụ thép của nước này ước tính tăng 40 triệu tấn, tương đương tăng khoảng 8% so với cùng kỳ 2019, và tăng 2% cho cả năm 2020. Trong 9 tháng năm 2020, sản lượng thép của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng đáng kể, gấp hơn 18 lần, lên 2,53 triệu tấn, chiếm tới 36,2% trong tổng lượng xuất khẩu và chiếm 28,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước. Trung Quốc chính là thị trường lớn nhất của thép Việt Nam. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có cơ hội lớn trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, chi phí nhân công rẻ. Do đó, khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thì nhu cầu đầu tư nhà xưởng, khu công nghiệp sẽ tăng lên, kéo theo nhu cầu về thép xây dựng tăng theo. 

Đồng thời, với các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ, nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài sẽ lựa chọn Việt Nam là nơi đặt các trung tâm, nhà máy sản xuất, góp phần thúc đẩy thị trường thép phát triển

Hotline: 0983.983.983
icon zalo Zalo: 0983.983.983 SMS: 0983.983.983